Rate this post

Những thiên đường mù kể về cô gái tên Hằng xuất khẩu lao động sang Liên Xô đang trên đường đi thăm ông cậu bị ốm ở Matxcơva. Đường xa, trời lạnh lại đang ốm, Hằng chìm vào những kí ức xa xưa từ thời bố mẹ cô bị chia lìa, rồi gia đình ông cậu, cô Tâm chị của bố…

Cuốn sách tái hiện lại cả một thời kì từ làng quê đến thành thị, từ số phận người nông dân bị đấu tố đến anh tuyên huấn có vợ chỉ học cấp 2 đã thao thao giảng về triết học duy vật. Những Thiên Đường Mù thông qua số phận của ba người đàn bà để hàm ẩn thông điệp của mình. Ấy là cô Tâm, người phụ nữ xinh đẹp có học bị đấu tố là con nhà địa chủ rồi từ tay trắng gầy dựng cơ nghiệp, quên cả tuổi xuân để trả thù, một lòng chăm lo cho đứa cháu – hậu duệ duy nhất còn sót lại của nhà họ Trần; ấy là bà Quế, có chồng bị chính em vợ đấu tố phải bỏ trốn, sinh con mang tiếng chửa hoang, bỏ làng bỏ quê đi mưu sinh, bị em trai hắt hủi xong lại hết lòng hi sinh để lo cho hai đứa cháu – hậu duệ còn sót lại của nhà họ Đỗ; ấy là Hằng, từ bé đến lớn sống trong sự bảo bọc của cô Tâm và mẹ Quế, bị quá khứ vùi lấp trong muôn vàn kí ức hư ảo và trách nhiệm nặng nề. Tuy nhiên, cần nói rằng, xã hội mà Dương Thu Hương tái hiện lại trong tiểu thuyết của mình dù mang nặng vẻ u ám của hiện thực nhưng đó trước hết là cái hiện thực đã lọc qua lăng kính chủ quan của bà.

Trạm Sách xin giới thiệu tới các bạn ấn bản điện từ của cuốn sách này

Dương Thu Hương đã nhắc đi nhắc lại trong tác phẩm của mình hình ảnh “thiên đường mù”. Thiên đường mù ấy là cái hạnh phúc tạm bợ trong phút chốc, là thứ ảo vọng bèo bọt ngắn ngủi mà ngỡ sâu xa. Ông cậu Chính xây dựng thiên đường mù trên cái tài đánh tiết canh cho thủ trưởng để thăng quan tiến chức, cô Tâm xây dựng thiên đường mù bằng vật chất vòng vàng quanh đứa cháu để trả thù quá khứ bi phẫn, bà Quế xây dựng thiên đường mù bằng cách dốc thân còm cõi để nuôi lấy miệng ăn trong gia đình em trai mặc cho mọi sự khinh khi. Tôi có cảm tưởng, Dương Thu Hương đã rải đầy những thiên đường mù như thế khắp các trang sách để dựng nên một thứ không khí bấp bênh, nhờn nhợn và buồn hiu buồn hắt như thương hại lấy những phận người trong guồng quay sân si thù hận.

Dù vậy, điều đọng lại trong tôi sau khi đọc sách lại không phải hình ảnh “thiên đường mù” ấy mà là câu bà Quế nói với chị chồng :

“Em xin chị, em lạy chị, oán thù chỉ nên cởi đừng nên buộc…”

Kết truyện, Hằng quyết định bán hết gia sản cô Tâm để lại cho mình và dứt áo ra đi. Cuối cùng là hình ảnh phi trường với những chuyến bay cất cánh và hạ cánh. Hằng đã từ chối xây tiếp những vách thành của thiên đường mù nọ, cô đang cố lần cởi từng nút thắt thít chặt số phận đã bủa vây mình. Nhưng với mật độ dày và nặng sự u ám nhà văn đã lèn trong từng câu chữ suốt thiên truyện, thực khó để thắp lên cái hi vọng giải thoát vào giây phút tận cùng. Điều này khiến những hình ảnh cuối, những tư tưởng cuối trở nên kịch và khó lòng thuyết phục người đọc tin vào tương lai hứa hẹn của Hằng. Cũng có thể, cô nói vậy mà cuối cùng không làm được vậy, như mẹ Quế của cô năm xưa nói về sự cởi bỏ oán thù mà rốt cuộc vẫn bị nó vùi chết, thẫm sâu ở quán nước ven đường và tình cốt nhục đã hoen mờ trước ánh sáng của mớ tiền xu bạc cắc…