Rate this post

1520982127954 Cùng nói về tiền - Review hai cuốn sách: &quotRich Dad, Poor Dad&quot (Robert Kiyosaki) và &quotThe Total Money Makeover&quot (Dave Ramsey) - The Present Writer

Hãy cùng nói về tiền

Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa bao giờ được dạy một cách đầy đủ về tiền. Tiền ban đầu chỉ là những tờ giấy bạc nhăn nheo mẹ cho hàng ngày để đổi lấy quà sáng, truyện tranh, và mấy gói mỳ tôm trẻ em. Tiền sau này là những ngày đi dạy thêm, bán hàng online, rồi đi làm công chức miệt mài cả tháng để chi vào váy áo, giày túi, cà phê, hàng quán, và hàng trăm những khoản không tên khác. Đến những năm sống một mình ở nước ngoài, tiền là tất cả những gì còn lại sau khi trả hết tiền thuê nhà — một khoản lớn mà trước đấy tôi chưa từng phải lo đến. Tiền, trong khái niệm mơ hồ của tôi khi đó, luôn gắn liền với chi tiêu. Đi làm để có tiền, có tiền để chi tiêu nhiều thứ hơn, tiêu rồi lại hết tiền, lại đi làm thêm, lại có tiền, và lại tiêu nhiều hơn nữa… Cứ như thế, một vòng tròn luẩn quẩn tiếp diễn.

Vì không hiểu về tiền, tôi cũng từng ghét nói về tiền và ghét cả những ai hay nói về tiền. Tôi từng cảm thấy khó chịu khi có ai đó hỏi về kế hoạch chi tiêu của mình, về những dự định tương lai liên quan đến tiền bạc với suy nghĩ nông cạn (và có phần kiêu ngạo rằng): “Nghĩ về tiền là thực dụng, vật chất” hay “Tiền là thứ cuối cùng mình quan tâm đến”. Tôi từng có ác cảm với những người giỏi tính toán tiền bạc, tôi cảm giác càng biết nhiều về tiền, con người sẽ càng dễ chi li, tủn mủn, trục lợi từ người khác hơn. Tôi từng cảm thấy nếu mình không nghĩ về tiền, không nói về tiền, không tích cực kiếm tiền, mình sẽ không phải làm nô lệ cho đồng tiền, và sẽ sống một cuộc sống không có tham, sân, si.

Nhưng càng trưởng thành hơn, tôi càng nhận ra tầm quan trọng của đồng tiền, nhưng lớn hơn cả là kiến thức về tiền. Đúng vậy, học về quản lý tiền, tiết kiệm tiền, tiêu tiền, và kiếm tiền cũng là một loại kiến thức — nó cũng quan trọng không kém gì Toán, Văn, Lịch Sử…, thậm chí có khi còn quan trọng hơn vì cần dùng hàng ngày cho đến hết cuộc đời. Vậy không có lý do gì lại gắn mác “vật chất” hay “thực dụng” lên việc học về tiền. Là người trưởng thành (nhất là đối với phụ nữ), làm chủ được tài chính, biết được trong túi mình/trong tài khoản ngân hàng của mình có bao nhiêu tiền, đồng tiền kiếm được sẽ đi vào những đâu… là một cảm giác vô cùng tuyệt vời! Kể cả khi bạn không có nhiều tiền, nếu bạn làm chủ được tài chính, bạn sẽ luôn cảm thấy an toàn, tự tin, quyết đoán. Bạn biến đồng tiền làm việc cho bạn, thay vì bạn phải làm việc cho đồng tiền. Đây có lẽ là một trong những điều lớn nhất tôi học được khi trưởng thành.

Với xuất phát điểm là một người không biết nhiều về tiền, tôi biết mình phải học rất nhiều. Vì thế, một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong năm nay của tôi là học về quản lý tài chính, bắt đầu bằng việc đọc sách, nghe podcast, radio, và xem các video về tài chính. Trong 3 tháng đầu năm này, tôi đã đọc hết 5 cuốn sách lớn về đề tài này, trong đó có 2 cuốn tôi cho rằng bất-cứ-ai-trong-đời-cũng-phải-đọc-một-lần. Cuốn thứ nhất rất nổi tiếng tại Việt Nam, đã từng xuất bản và tái bản rất nhiều lần và luôn có mặt trên các tiệm sách — “Rich Dad, Poor Dad” (Cha Giàu, Cha Nghèo) của tác giả Robert Kiyosaki. Cuốn thứ hai, hình như chưa xuất bản tại Việt Nam, nhưng rất nổi tiếng tại Mỹ — “The Total Money Makeover” (Thay Đổi Diện Mạo Tài Chính) của tác giả Dave Ramsey. Cũng như mọi cuốn sách khác, hai cuốn này không hoàn hảo tuyệt đối nhưng thực sự là những cuốn sách có khả năng thay đổi tư duy và thói quen chưa tốt với đồng tiền của con người.

Bài viết dưới đây kết hợp review và so sánh hai cuốn sách Rich Dad, Poor Dad và The Total Money Makeover.

Đề từ

Cùng viết về tiền nhưng đây là hai cuốn sách rất khác nhau, đến từ hai con người có hai nền tảng gia đình, tài chính khác nhau, với động lực và cách tiếp cận đồng tiền cũng rất khác nhau.

Rich Dad, Poor Dad là một cuốn sách viết về làm giàu. Đề từ của cuốn sách viết về kỷ niệm thời còn nhỏ của Robert Kiyosaki khi lớn lên với hai ông bố. Một ông là bố ruột, làm giáo viên, luôn coi trọng học thức trên tiền bạc, nhưng luôn chật vật với đồng tiền (“cha nghèo”). Ông bố thứ hai là bố của một người bạn thân, người này học thức thấp nhưng làm kinh doanh rất giỏi, giàu có, và có cách nhìn về tiền rất đặc biệt (“cha giàu”). Lớn lên với hai người bố có xuất phát điểm khác nhau, có cách nhìn về học thức và về tiền trái ngược nhau, Robert buộc phải chọn mình sẽ học và làm theo người bố nào. Cuối cùng, ông chọn theo “cha giàu” — quyết định này là nền tảng để viết nên cuốn sách.

The Total Money Makeover là một cuốn sách viết về quản lý tài chính. Đề từ của cuốn sách là một biến cố tài chính xảy đến với Dave Ramsey khi ông đã ngoài 30 tuổi, đang là triệu phú, có nhà đẹp, xe đẹp, vợ và hai con nhỏ. Biến cố này bắt nguồn từ việc Dave vay ngân hàng để kinh doanh bất động sản một cách thiếu kiểm soát, cộng thêm việc tiêu tiền vô tội vạ… Khi Dave nhận ra mình đã “vung tay quá trán” thì cũng là lúc phá sản. Ở tận cùng của xấu hổ, tủi cực, bất mãn với cuộc đời, Dave lấy lại sự kiểm soát tài chính, thay đổi hoàn toàn cách nhìn của mình về tiền, và một lần nữa,… trở thành triệu phú! Trong quá trình nhận định lại mối quan hệ của mình với đồng tiền, Dave bắt đầu giúp đỡ rất nhiều người xung quanh và xây dựng một kênh radio (nay đã có cả podcast và Youtube) để dạy mọi người cách thoát khỏi nợ nần và trở nên độc lập về tài chính. Cuốn sách này được viết bởi trải nghiệm phá sản kinh hoàng của tác giả và truyền cảm hứng để mọi người tìm được sự tự do cho chính mình.

Nội dung lớn

Cả hai cuốn sách đều nhấn mạnh hai điểm:

Thứ nhất, lỗ hổng lớn của hệ thống giáo dục hiện nay là không bao gồm các khóa học bắt buộc về quản lý tài chính. Vì vậy, con người lớn lên không biết cách làm chủ về tiền, cho rằng đây là một kỹ năng không cần học mà cũng có thể giỏi được, dẫn đến rất nhiều bi kịch, căng thẳng, mệt mỏi sau này. Quản lý tiền là một kỹ năng bắt-buộc-phải-học và phải thực hành thường xuyên, tạo ra những thói quen tốt mới có thể giỏi được. Đây là một kỹ năng gần như sinh tồn đối với con người. Nếu trường lớp chưa thể đáp ứng ngay được, hãy tự học bằng cách đọc những cuốn sách có uy tín, học từ những người có hiểu biết để hoàn thiện chính mình.

Thứ hai, luôn làm theo quy tắc của Người Giàu Nhất Thành Babylon (“The Richest Man in Babylon” -George Samuel Clason): Trả cho bản thân trước! (pay yourself first). Điều này có nghĩa là khi bạn nhận được một khoản tiền (ví dụ: lương, thưởng) thay vì tiêu ngay vào quần áo, ăn uống, vui chơi giải trí … (tức là bỏ tiền vào túi người khác), hãy trích ngay ra một khoản tiền tiết kiệm cho mình. Trả cho mình trước là một hành động vô cùng nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn. Nếu một tháng, bạn có thể bỏ ra 10-15% thu nhập mà không đụng đến thì những khoản nhỏ này sẽ nhanh chóng tích lại thành một khoản lớn có thể dùng cho mục đích quan trọng hơn sau này. Luôn trả cho bản thân trước!

Rich Dad, Poor Dad khai sáng người đọc bằng việc chỉ ra rằng rất nhiều người lầm lẫn giữa khái niệm tài sản (asset) và trách nhiệm (liability). Trong khi tài sản là những gì sẽ mang lại cho người sở hữu thêm nhiều tiền (tiền đẻ ra tiền), trách nhiệm là thứ mà mọi người phải trả để sở hữu, trong khi không mang lại đồng tiền nào. Ví dụ, tác giả kể rằng bố ruột của ông (“cha nghèo”) thường tự hào nói rằng ngôi nhà là tài sản lớn nhất đời mình. Nhưng thực chất ngôi nhà lại là trách nhiệm vì nhà không có giá trị tăng lên, không bán đi thì không mang lại đồng tiền nào, trong khi đó, hàng năm người bố này phải trả thuế nhà, thuế đất, trả tiền sang sửa cho căn nhà, tiền sử dụng tiện ích trong khu nhà… Tài sản phải là những thứ có thể đẻ ra tiền như kinh doanh, chứng khoản, địa ốc cho thuê … Nắm rõ sự khác biệt giữa tài sản và trách nhiệm sẽ giúp ta hiểu hơn về sự đối lưu của dòng tiền.

Trong cuốn sách, tác giả từ chối cách sống và quản lý tài chính “thông thường” – với ông có nghĩa là: Làm lụng chăm chỉ, kiếm tiền, tiết kiệm tiền trong ngân hàng, đến khi về hưu thì được hưởng “một cục”. Ông nói rằng cách làm này không sai nhưng không thể cho con người giàu có được. Cuốn sách nhấn mạnh những cách làm giàu bằng việc tập trung tăng lên phần tài sản của mình, mặc dù sẽ có rủi ro, nhưng thành quả sẽ lớn hơn việc tiết kiệm thông thường.

Xem thêm video giới thiệu nội dung chính của Rich Dad, Poor Dad dưới đây:

Ngược lại, The Total Money Makeover nhấn mạnh tầm quan trọng của tiết kiệm an toàn và quản lý tiền chặt chẽ TRƯỚC KHI đầu tư làm một điều gì đó rủi ro để kiếm thêm tiền. Tác giả nói cho người đọc một cách rõ ràng, khúc chiết làm sao để đạt được tự do về tài chính. Kế hoạch này bao gồm 7 bước (“7 baby steps”)

Bước 0 (chuẩn bị): Phải có kế hoạch chi tiêu rõ ràng mỗi tháng! Điều này vô cùng quan trọng. Trước mỗi tháng, bạn (cùng chồng/vợ/những người quyết định chi tiêu trong nhà) cần ngồi xuống viết ra mình có bao nhiêu tiền lương, dự tính chi tiêu những khoản nào, trả nợ những khoản nào, tiết kiệm những khoản nào, còn lại bao nhiêu… Bạn có thể viết tay, đánh máy, hoặc dùng những tiện ích điện thoại để làm việc này. Đây là thói quen tối quan trọng, không thể bỏ qua.

Bước 1: Tiết kiệm $1,000 ban đầu cho Tài khoản Khẩn Cấp (Emgerency Fund). Tiết kiệm được khoản này để phòng thân và giúp bạn an tâm hơn để làm các bước tiếp theo

Bước 2: Trả TẤT CẢ các khoản nợ (trừ tiền trả góp nhà — nếu có), bắt đầu từ khoản nhỏ nhất đến khoản lớn nhất. Đây là bước vô cùng quan trọng để giải thoát những ai đang là nô lệ cho trả góp hàng tháng. Nhất định phải tìm cách trả dứt điểm nợ, dù phải làm thêm giờ, làm thêm việc, tằn tiện đến như thế nào.

Bước 3: Tiết kiệm 3-6 tháng tiêu dùng hàng tháng, cho vào Tài Khoản Khẩn Cấp. Tổng cộng khoảng $10,000. Khoản tiền này sẽ giúp bạn vượt qua những khó khăn đến bất chợt như nằm viện, mất việc, ma chay, xe hỏng, nhà hỏng, phải đền tiền… Có khoản này bạn sẽ yên tâm để bắt đầu làm giàu.

Bước 4: Đầu tư 15% thu nhập vào tài khoản lương hưu tiết kiệm (cuốn sách chỉ đến loại tài khoản lương hưu của Mỹ có chức năng đầu tư như Roth IRA hay 401K — Bạn đọc Việt cần tìm hiểu cách đầu tư tương ứng cho mình)

Bước 5: Tiết kiệm tiền học đại học cho con cái. Học phí đại học ngày càng đắt đỏ, nếu bạn muốn con có một tương lai đảm bảo, cần tiết kiệm ngay tại bước này.

Bước 6: Trả hết tiền trả góp nhà (nếu có) — sở hữu hoàn toàn ngôi nhà của mình

Bước 7: Xây dựng nền tảng tài chính vững mạnh và giúp đỡ cho người khác.

Đối với Dave Ramsey, làm giàu nhanh không phải là một cách tốt (vì bản thân ông đã là nạn nhân của việc làm mạo hiểm này). Xây dựng nền tảng tài chính vững mạnh dựa vào cách chi tiêu hợp lý, thay đổi quan niệm về tiền, và đầu tư dài hạn là cách tác giả khuyên người đọc nên làm theo.

Xem thêm video giới thiệu The Total Money Makeover tại đây:

Nhận xét

Cả hai cuốn sách:

  • Điểm mạnh: Lối viết rõ ràng, khúc chiết. Đem đến những tư duy mới về tài chính và những bài học truyền cảm hứng. Như đã viết ban đầu, đây là 2 cuốn sách mà tôi nghĩ bất cứ ai trên đời cũng cần đọc một lần, và tốt nhất nên đọc trước tuổi 30.
  • Điểm yếu: Cả hai cuốn đều viết cho độc giả Mỹ nên có một số thông tin về chính sách như lương hưu hay địa ốc rất riêng cho nước Mỹ — người đọc nước ngoài cần tra cứu để tìm cách ứng dụng vào hoàn cảnh riêng của nước mình.

Rich Dad, Poor Dad

  • Điểm mạnh: Cách vào vấn đề mạnh mẽ, đưa ra những thông điệp lớn (có phần “gây sốc”) để làm người đọc nhận ra những lầm tưởng mình mắc phải về tiền bạc. Cuốn sách có khả năng truyền cảm hứng lớn cho người đọc khởi nghiệp, làm giàu.
  • Điểm yếu: Nêu vấn đề một chiều, dễ gây hiểu lầm cho người đọc (nếu không đọc với tư duy phản biện sắc bén).

***Viết ra những điều sau đây có thể sẽ làm phật ý những “fan” hâm mộ của cuốn sách nhưng tôi cảm thấy nên nói ra suy nghĩ thật của mình về cuốn sách. Đây là một cuốn sách rất tốt nhưng cách truyền tải đôi chỗ có phần tự tôn thái quá. Ví dụ, tác giả viết rất nhiều về thành công của mình, về những món tiền mình kiếm được và giúp người khác kiếm được (nếu họ nghe theo sự chỉ bảo của tác giả) nhưng viết rất lướt về thất bại của mình. Nếu bạn tìm hiểu về Robert Kiyosaki thì bạn sẽ biết ông đã từng bị phá sản và mất uy tín không chỉ một lần, kể cả sau khi đã xuất bản cuốn sách này. (Vì thế, có nhiều trang báo mạng nhại là Rich Dad, Poor Dad, Bankrupt Dad — Cha giàu, Cha Nghèo, Cha Phá Sản). Tuy nhiên, tác giả phá sản không có nghĩa là những điều sách nói là sai. Trong kinh tế xã hội Mỹ, phá sản cũng có thể là phương án để bảo vệ tài sản, nếu biết làm một cách thông minh. Và tác giả hiện nay vẫn có thu nhập tốt từ việc bán sách, bán thương hiệu, mở nhiều lớp dạy làm giàu … Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, nếu là một người viết chân chính và có trách nhiệm, tác giả cần viết về những thất bại này trong cuốn sách để cho người đọc không bị lầm tưởng rằng làm giàu là rất nhanh và rất dễ, và cũng để họ cẩn trọng hơn với những món đầu tư mạo hiểm. Nhưng ngay cả ở lời mở đầu ở phiên bản sách mới (kỷ niệm 20 năm ngày xuất bản), tác giả cũng không hề đả động gì đến những thất bại này, thậm chí còn viết với giọng văn hơi cao ngạo kiểu “mọi điều tôi nói là đúng hết”. Bởi vậy, khi đọc sách, bạn đọc nên có tư duy phản biện, hãy thường xuyên lật lại vấn đề. Tương tự, hãy cẩn trọng với những khóa học làm giàu nhanh có cách truyền tải thông tin một chiều kiểu như thế này.

Tuy vậy, đây vẫn là một cuốn sách rất nên đọc.

The Total Money Makeover

  • Điểm mạnh: Trung thực, thẳng thắn, không ngại viết về thất bại và bài học từ thất bại. Cách viết dễ hiểu, rõ ràng, chi tiết.
  • Điểm yếu: Tương đối bảo thủ. Có thể do cuốn sách được phát hành đã lâu, cách quản lý chi tiêu trong sách tương đối bảo thủ như: chỉ tiêu tiền mặt, bỏ tiền vào từng phong bì ghi từng món chi tiêu, viết thu-chi vào giấy… Cách làm bảo thủ này đặc biệt tốt cho những ai thiếu trách nhiệm về quản lý tiền. Nhưng nếu bạn biết (qua trải nghiệm thực tế) là mình là người chi tiêu có kỷ luật, bạn có thể dùng những phương pháp hiện đại hơn như sử dụng ứng dụng quản lý tiền như: Every Dollar, Mint, Money Lover… để quản lý tài chính một cách hiện đại hơn.

Tôi hy vọng bài review sách này sẽ khiến bạn bắt đầu nói về tiền một cách cởi mở hơn và học quản lý tài chính hợp lý hơn. Trước khi đóng lại bài viết này, tôi mong bạn hãy cùng tôi suy nghĩ 3 điều sau đây:

  • Bạn có biết mình hiện đang có bao nhiêu tiền trong tài khoản? Mỗi tháng chi tiêu khoảng bao nhiêu? Các khoản nợ cộng lại là bao nhiêu? Hãy nhớ rằng: “It’s not the money you make, it’s the money you keep” (tạm dịch: Cái quan trọng không phải là bạn kiếm được bao nhiêu tiền, mà là bạn giữ lại được bao nhiêu tiền)
  • Nghĩ về tiền với 4 chức năng: Kiếm, Tiêu, Tiết kiệm, và Cho tặng, chức năng nào đang lớn nhất trong thói quen sử dụng tiền của bạn. Bạn kiếm nhiêu hơn tiêu, tiêu nhiều hơn tiết kiệm, hay tiết kiệm nhiều hơn cho tặng? Có cách nào để tăng thu nhập, giảm chi tiêu, tiết kiệm nhiều hơn, và cho tặng hào phóng hơn được không?
  • Bạn có hài lòng với cuộc sống, công việc, và đồng lương hiện tại không? Trong 5 năm, 10 năm nữa bạn muốn mình làm gì?

Be Present,

Chi Nguyễn

*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog