Rate this post

Tôi đọc xong 451 độ F trong hơn 3 giờ đồng hồ, bắt đầu từ lúc 2 giờ sáng. Trong những ngày tháng bận rộn này, thật khó đã có thể bố trí thời gian và đầu óc để đọc xuyên suốt cho xong một tác phẩm kinh điển như thế. Nhưng khi đã bắt được nhịp của 451 độ F, tôi hiểu, nếu mình ngừng giữa chừng sẽ rất khó quay lại với chuỗi hoang mang dồn dập những tư tưởng mà các nhân vật trong sách thay nhau tuôn tràn trên trang giấy.

451 độ F là một tiểu thuyết giả tưởng Mỹ kể về xã hội tương lai theo kiểu “Phản Địa đàng” (dystopia) vào cuối thế kỷ XXI, khi mà con người đã có cuộc sống sung túc đủ đầy đến mức gần như không cần lo nghĩ điều gì. Thậm chí các ngôi nhà cũng được bọc nhựa chống cháy, vì vậy lính cứu hoả không còn cần thiết nữa, họ chuyển thành lính phóng hoả (firemen). Công việc của họ là đi đốt sách. Nhân vật chính của tác phẩm, Guy Montag, là một lính phóng hoả.Trong lịch sử, bao nhiêu lần nhân loại đã chấn động trước các sự kiện đốt sách? Đốt sách không chỉ đơn thuần là đốt một thứ vật chất nào đó của xã hội loài người, đốt sách là tổn hại nghiêm trọng đến tri thức nhân loại, đốt sách đồng nghĩa với nguy cơ nền văn minh bị xoá sổ. Có điều thế giới trong 451 độ F đã vượt qua cao trào chấn động ấy từ lâu, giờ đây xã hội gần như đã chối bỏ sách hoàn toàn và các lính phóng hoả làm việc với trách nhiệm cứu người theo đúng đạo đức nghề nghiệp của họ. Thế rồi một ngày nọ, trên đường về nhà, Guy Montag gặp Clarisse McClellan, cô bé hàng xóm bị bệnh thần kinh, thích kể về ông bác có những tư tưởng kì diệu của cô và những suy nghĩ lạ lùng về thế giới mà Montag chưa từng được nghe bao giờ. Và mọi thứ thực sự nảy sinh vấn đề khi Guy Montag cuối cùng đã quyết định đọc thử những cuốn sách mà anh ta có trách nhiệm phải đốt.

Tư duy con người đã có bước chuyển quyết định khi câu hỏi “tại sao” ra đời. Montag bắt đầu thắc mắc về lý do của việc đốt sách. Ray Bradruby đã đưa ra câu trả lời gợi nhiều suy nghĩ: loại trừ sách để loại trừ bất hạnh của con người. Sách khơi dậy sự tư duy, mà tư duy là cội nguồn của đau khổ. Hạnh phúc chỉ có thể đến từ những gì trực tiếp, tuyến tính kèm theo nó là sự lãng quên những gì gây phiền toái cho tâm trí chúng ta. Đội trưởng đội lính phóng hoả, Beatty, luôn nói:

“Đừng đối mặt với các rắc rối, mà hãy đốt nó.”

Trên thực tế, quan điểm này không hề mới. Có lẽ trong mỗi chúng ta đều đã có lần chọn lựa quên đi để rẽ sang đường vòng hòng tránh thoát một vấn đề làm chúng ta khổ tâm. Chúng ta từ chối đối mặt, từ chối việc suy nghĩ về nó, với hàng trăm lý do tự thuyết phục. Trong xã hội giả tưởng của Ray Bradruby, đơn giản là có thêm một chính phủ chỉ đạo và một nhóm các lính phóng hoả thay mọi người làm những điều này, chu đáo đến mức ngay cả việc cân nhắc nên chọn quên đi hay đối mặt người ta cũng không cần bận tâm. Giống như lính cứu hoả tận tụy cứu mèo của bạn trên cây, lính phóng hoả sẽ tận tụy chăm lo cho nỗi bất hạnh tiềm tàng trong cuộc đời bạn lúc bạn thậm chí còn chưa nhận thức được nó. Trong cái xã hội thượng tôn vật chất ấy, con người đã bị tổn thương quá nhiều và cách họ cứu lấy bản thân là tìm mọi cách hủy hoại các phiền toái. Cho dù Ray Bradruby đã chỉ ra rằng, đôi khi điều đó có nghĩa là đồng thời hủy hoại chính mình.

Từ đầu đến cuối 451 độ F, mạch truyện chính xoay quanh hành động đốt sách, giải cứu sách, trăn trở về sách. Song đây hoàn toàn không chỉ là câu chuyện về sách. Sau khi đọc 451 độ F, tôi càng tin rằng, bất chấp đề tài cụ thể là gì thì các tác phẩm kinh điển chỉ có thể trở thành kinh điển khi cốt lõi trong câu chuyện của nó là vấn đề con người. Sách, ngọn lửa, những người lính phóng hoả, ánh trăng vào đêm Guy Montag gặp Clarisse McClellan rồi chính Clarisse McClellan cùng vô số chi tiết khác trong tác phẩm đã cấu thành một chuỗi bất tận các ẩn dụ lồng ghép vào nhau. Các tầng nghĩa biến chuyển liên tục trong quá trình tư duy sẽ khiến câu chuyện có thể trở nên “quá tải thông tin” ở một số đoạn nhất định. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ việc giải mã hệ thống ẩn dụ ấy thực ra là một thử thách hết sức thú vị dành cho bất kì độc giả nào muốn đào sâu hơn một tác phẩm đã được xem là kinh điển của nền văn học thế giới.

Một điều khác làm tôi yêu quý tiểu thuyết này là lối viết cực kì tinh tế của Ray Bradbury. Điển hình là cách kể chuyện của ông cũng thay đổi theo hành trình thức tỉnh tư duy của nhân vật Guy Montag. Trong phần đầu tác phẩm, nhân vật này gần như chỉ trần thuật lại các sự việc diễn ra xung quanh, văn phong đôi khi có phần rối rắm khó nắm bắt. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi anh là chủ thể tiếp nhận một cách bị động những suy nghĩ của nhân vật Clarisse. Độc giả dễ dàng nhận ra sự bất lực của Montag trong việc tự bộc lộ chính mình. Nhưng kể từ lúc anh bắt đầu trăn trở về cuộc sống, về câu hỏi “tại sao”, mọi thứ đã dần chuyển biến, văn phong liền mạch và sáng rõ hơn. Đến phút cuối, chính Montag đã chuyển hoá thành người hướng dẫn cho Faber – người mà anh đã tìm đến để học hỏi không lâu trước đó.

Ngoài ra, vì đây là một câu chuyện giả tưởng đã được xuất bản từ hơn nửa thế kỷ trước, cá nhân tôi cảm thấy thật đáng tiếc vì bản thân mình đã đọc nó quá muộn bởi giờ đây thì chúng ta khó lòng ngạc nhiên thực sự vì nhiều chi tiết tinh xảo trong trí tưởng tượng của Ray Bradbury được nữa. Dĩ nhiên, nói một cách tích cực thì lời khen này có thể chuyển thành sự khâm phục vì khả năng dự đoán của ông đối với xã hội nói chung và khoa học kỹ thuật nói riêng.

Cuối cùng là một liên tưởng nhỏ. 451 độ F làm tôi nhớ đến một tác phẩm kinh điển khác, 1984 của George Orwell. Tuy câu chuyện kết thúc trong một cái kết mở, chí ít thì một phần nào đó của sách đã được cứu, tôi vẫn cảm thấy nỗi cô đơn và sự hoang mang của Guy Montag. Có lẽ bởi vì suy cho cùng, quá trình đọc sách về bản chất vẫn luôn là hành trình đơn độc. Giống như sự bất khả chia sẻ của Guy Montag với cô vợ Mildred, với Clarisse, với Beatty và với cả Faber. Vậy nên khi gấp trang sách lại, suy nghĩ đơn thuần nhất của tôi về 451 độ Fkhông phải là về sách, không phải về những vấn đề của xã hội thượng tôn vật chất, một nền văn hoá đại chúng cực đoan hay những luận điểm mang tính triết học dàn đầy trên giấy, mà tất cả chỉ gói gọn trong một sự cảm thán tức thời: à, thì ra chúng ta cô đơn đến thế…

Chiễm Phong

*451 độ F (tương đương với gần 233 độ Celsius) theo ghi chú của bản dịch là “nhiệt độ giấy in sách bắt lửa và bốc cháy”, thiết nghĩ cần nói rõ hơn một chút, thực chất 451 độ F là nhiệt độ tự bốc cháy của giấy.

Nguồn: sachvui.co