Rate this post

Hãy lắng nghe câu chuyện bằng âm thanh của dòng chảy thời gian, vì không phải câu chuyện nào cũng có thể diễn đạt bằng ngôn từ

Nằm trong bộ sách Biên niên Cliffton, đây là quyển đầu tiên kể về cuộc đời của Harry Cliffton, chàng trai sinh ra trong một gia đình không trọn vẹn. Từ bé, Harry đã được nuôi dạy bởi người mẹ làm phục vụ, và chỉ nghe kể về cái chết của người cha thông qua những người xung quanh. Dù luôn được bảo rằng cha Arthur đã chết trong chiến tranh, một góc trong lòng cậu vẫn không tin vào điều đó và luôn đi tìm kiếm sự thật về ông. Thế nhưng dường như, tất cả mọi người đều cố gắng che giấu sự thật đó.

Xem thêm: Tìm lại chính mình với combo 2 cuốn sách kết nối linh hồn mạnh mẽ

Lớn lên trong một thị trấn nhỏ, thiếu vắng sự hiện diện của người cha, người chú lại là kẻ bê tha, vậy mà nhờ sự giúp đỡ của mọi người, cậu đã thực hiện được ước mơ thay đổi cuộc sống, giành lấy học bổng, đặt chân vào tương lai tốt đẹp hơn. Ở trường cậu gặp được hai người bạn thân, Deakins và Giles, tiếp xúc với một thế giới hiện đại và giàu có hơn những gì cậu từng biết. Cậu cũng gặp được Hugo Barrington – một trong hai người duy nhất biết được sự thật về cái chết của ba cậu, bên cạnh ông chú Stan luôn nói dối.

Thái độ khác lạ của Hugo với cậu khiến Harry nghi ngờ, trong khi tình cảm của cậu với con gái ông – Emma – lại phát triển theo chiều hướng ngược lại. Thế nhưng, tội lỗi của quá khứ luôn đè nặng lên hiện tại, sự chối bỏ của người lớn khiến hậu quả đè nặng lên những đứa con. Khi quá khứ bị bóc trần, tất cả đều phải đối mặt với sự thật tàn nhẫn hơn rất nhiều so với trước đó…

Chỉ thời gian có thể cất lời – Jeffrey Archer Chỉ thời gian có thể cất lời - Jeffrey Archer

Xem thêm: Review Sách Đi Sau Đến Trước

Theo đánh giá cá nhân, truyện của Jeffrey Archer luôn mang theo âm điệu nhẹ nhàng, dễ đọc, dễ hiểu. Tình tiết diễn ra đều đặn và liên tục, không quá nhiều bất ngờ. So với tác phẩm Hai số phận, đây có lẽ là một quyển truyện ghi được điểm thấp hơn hẳn, xét về tình tiết, cách dẫn dắt hay yếu tố nhân văn. Về hình tượng nhân vật, tuy là nhân vật chính, sống trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhân vật Harry không hề được xây dựng như một người con vượt lên số phận.

Luôn có bàn tay vô hình từ những người xung quanh giúp đỡ cậu. Trên hết, nếu không nhờ người mẹ Massie, Harry đã không thể đạt được một phần mười cuộc sống hiện tại. Cách dẫn chuyện của tác phẩm này khá rườm rà, được viết theo góc nhìn của rất nhiều nhân vật trong truyện, khiến cho cùng một tình huống bị lặp lại ba bốn lần. Chi tiết thừa khá nhiều, vì truyện đi sâu vào việc kể cặn kẽ về cuộc đời của cậu trai Harry từ lúc nhỏ. Giá trị nhân văn được lồng ghép rõ ràng như các tác phẩm khác của ông: xây dựng rõ nét hơn hình tượng người phụ nữ, lên án chiến tranh, đề cao phẩm chất cá nhân; tuy nhiên không để lại được nhiều ấn tượng và đem lại nhiều ý nghĩa.

Vậy tại sao, sau tất cả những khuyết điểm này, quyển thứ hai trong bộ truyện này lại đang nằm trên giá sách của mình? Nếu đã đọc văn học từ nhiều nước khác nhau, có thể dễ dàng cảm nhận cách viết truyện theo kiểu Anh này rất dễ nhận biết và mang một đặc trưng riêng. Cá nhân mình khá thích cách “kể như không kể” mà Jeffrey Archer thường sử dụng.

Xem thêm: 02 cuốn sách Self – Help giúp làm sạch tâm hồn hiệu quả

Một số chi tiết không cần kể trực tiếp, nhưng thông qua những chi tiết khác, ta lại “hiểu” và “biết” được. Đây là điều không phải tác giả nào cũng làm thành công. Nếu như không dùng quá nhiều góc nhìn để kể câu chuyện cuộc đời cậu bé này, có thể quyển sách này đã xuất sắc hơn rất nhiều và đem lại sự yêu thích như Hai số phận đã làm được.