Rate this post

Lấy bối cảnh nước Nga sau thế chiến thứ 2 – những năm 1950 dưới thời Stanlin, Đứa trẻ thứ 44 không đơn thuần là một cuốn trinh thám, đây còn là bức tranh về một xã hội Liên Xô “hoàn hảo” đến mức đáng sợ.

Nói về yếu tố trinh thám trước. Leo Demidov vốn là một thanh tra MGB, công việc của anh là truy lùng và bát giam những kẻ nội gián của phương Tây cài cắm vào với âm mưu chống phá chế độ chủ nghĩa của Liên bang Xô Viết. Những tưởng anh sẽ làm cái công việc này suốt đời nhưng không, trong một lần “bao che” cho vợ mình, anh bị giáng chức – thay vì bị kết án tử hình  vì tội không thi hành công lệnh – anh được đưa đến Voualsk làm một dân quân quèn, một chức vụ mà “Không gì hơn là một bộ phận thấp kém thuộc Bộ Nội vụ: lương thấp, ít được tôn trọng – một lực lượng gồm học sinh cấp 2 bỏ học, lao động bị đuổi khỏi nông trang tập thể, quân nhân bị giải ngũ và những người mà ý kiến của họ có thể mua chuộc được với giá nửa chai Vodka.” 

dua tre thu 44 Đứa Trẻ Thứ 44 – Tom Rob Smith

Tại đây, anh phát hiện ra những xác chết của những đứa trẻ cả trai lẫn gái bị sát hại hết sức dã man. Chúng bị lột sạch quần áo, bị mổ bụng, bị cắt phăng dạ dày và miệng thì nhét đầy đất. Những cái xác này giống y như hiện trường cái chết của cậu bé Akady – con trai một đồng nghiệp cũ của anh tại MGB trước đó, xong vụ án của cậu bé đã bị ém nhẹ rằng đây đơn thuần chỉ là một tai nạn đường tàu thảm khốc. Leo cùng vợ mình là Raissa dần dần từng bước vén bức màn đen tối che đậy những cái chết này, đưa thủ phạm ra ánh sáng đồng thời cũng hé lộ con người và quá khứ của anh. Đề tài trinh thám được tác giả lựa chọn khá ăn nhập với tính xã hội mà mình sẽ đề cập ở phần dưới, cấu trúc khá chặt chẽ, thắt nút, cởi nút tương đối rõ ràng và rất nhân văn.

Về tính xã hội, cá nhân mình thích những yếu tố này hơn là tính trinh thám. Liên Xô ở giai đoạn này chìm đắm vào nạn đói. Mở đầu đã là một cảnh tang tóc, một ngôi làng mà không có lấy một con vật nuôi nào kể cả chó mèo, tất cả đã bị giết thịt để duy trì sự sống. Người tra dấu diếm, tranh giành, thậm chí đánh nhau chỉ vì một mẩu xương khô. Vì sinh tồn, con người sẵn sàng xả mạng và ăn thịt đồng loại mình. Với họ, được sống qua ngày thôi đã là quá may mắn rồi. Hai mươi năm sau, cái đói đã được giải quyết nhưng người dân lại khốn khổ bởi sự kiểm soát hoàn toàn của chính quyền “ Hãy gửi tiền tiết kiệm của bạn cho chúng tôi. Chúng tôi ở đây là tài khoản tiết kiệm quốc gia.” Xong, số tiền tiết kiệm được gửi với thời hạn ra sao, mục đích là gì thì “chúng tôi” không nói.

Như mình đã nói ở trên, Leo là một cựu nhân viên MGB – một cảnh sát cộng sản. Việc gìn giữ chế độ Xã hội chủ nghĩa là một điều chính đáng, không có gì để nói cho đến khi nó hóa cực đoan. Cứ mỗi 4h sáng,tiếng đạp cửa xông vào nhà, tiếng la hét, tiếng khóc của trẻ con lại vang lên ở một gia đình nhà đó. Những khuôn mặt thất thần trong bộ quần áo ngủ xộc xệch, đồ đạc vứt đầy sàn nhà, nệm bị rạch nát – họ bị bắt. Sau khi bị bắt, họ bị thẩm vấn, thay vì tra tấn thể xác, họ bị tiêm vào mạch máu thứ long não khiến họ mất tỉnh táo và “nói ra sự thật” như cách các nhân viên MGB mong muốn. Kết quả, họ viết, họ kí tên vào các bản thú tội, bản xin lỗi theo một khuôn mẫu y chang nhau chỉ khác ở tên và địa chỉ. Sau khi bị kết án, họ hoặc bị tử hình, hoặc bị đày đi lưu đày ở những vùng núi xa xôi, thời tiết khắc nghiệt và có thể chết trên những chuyến tàu chở tù nhân. Nhân viên của MGB thì năm lần bảy lượt bị thử thách lòng trung thành, nếu anh không qua thì rất tiếc, anh đã quay vào ô “kẻ phản động”

Không chỉ vậy,nhà nước Liên Xô hùng hồn tuyên bố: tỉ lệ phạm tội ở đất nước này bằng không. “Báo chí thường đăng tin rằng hàng đống tiền được nước Mỹ tiêu tốn để ngăn chặn tội phạm, vì cần phải có những xe cảnh sát sáng bóng và nhân viên cảnh sát trong những bộ đồ chống đạn..Phương Tây sử dụng nhiều con người dũng cảm của mình vào việc đấu tranh chống tội phạm, những công dân đáng lẽ ra nên dành thời gian để xây dựng một cái gì đó. Nhân lực như vậy không nên lãng phí ở đây.” 

Vì quá tôn thờ con số không phần trăm tỉ lệ phạm tội mà tất cả những vụ vi phạm đều bị lấp liếm, kể cả giết người. Điển hình như vụ việc của câu bé Akady giữa lòng Mátxcơva, gia đình cậu hoặc chấp nhân mất đứa con vì vụ tai nạn hoặc, mất tất cả. Còn gần 50 đứa trẻ khác suốt dọc  lãnh thổ đất nước thì sao? 

Cái chết của các em bị cáo buộc lên những người đồng tính, những người mà thần kinh bất ổn định, những người vô gia cư và những người đã từng bị giáng chức.

Đọc cuốn sách này làm mình nhớ đến Animal farm, 1984 ( đã bị cấm ), Dr.Zhivago ( đã từng bị cấm ), cũng mượn cái nọ để nói cái “kia”. Nếu có điều kiện mọi người hãy tìm đọc nhé.

Đứa trẻ thứ 44 không phải là một cuốn trinh thám đọc để giải-trí, ngoài tính máu me của những cảnh giết người còn là không gian u ám của một chế độ cho nên, nếu đang tìm một cuốn sách trinh thám đơn thuần thì mình khuyên bạn hãy tạm gác cuốn này lại nhé.

Điều duy nhất mình không thích ở cuốn sách này đó là cái kết, cái kết chưa trọn vẹn, chưa tròn trịa. Nó không phải ở dạng kết mở mà là một sự thiếu sót ấy, tác giả đã bỏ quên mất một nhân vật tuy xuất hiện muộn nhưng khá quan trọng làm cho cuốn sách như bị khuyết đi một phần, cực kì đáng tiếc.

Bản dịch của cuốn sách này khá mượt mà mặc dù vẫn còn đôi chỗ còn lỗi chính tả nhưng không ảnh hưởng gì đến nội dung nên mọi người có thể yên tâm đón đọc nha.